Cập nhật lúc: 14:03 25-08-2017 Mục tin: VẬT LÝ LỚP 8
Xem thêm: Lực ma sát
LỰC MA SÁT
A. Lí thuyết trọng tâm
- Lực ma sát trượt sinh ra khi một vật trượt lên bề mặt vật khác
- Lực ma sát lăn sinh ra khi một vật lăn trên bề mặt của vật khác
- Lực ma sát nghỉ giữ cho vật không trượt khi vật bị tác dụng của lực khác
- Lực ma sát có thể có hại hoặc có ích.
B. Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong SGK
Câu C1
- Khi phanh xe, bánh xe ngừng quay. Mặt lốp trượt trên đường xuất hiện ma sát trượt làm xe nhanh chóng dừng lại
- Ma sát giữa trục quạt bàn với ổ trục
- Ma sát giữa dây cung ở cần kéo của đàn nhị, violon…với dây đàn.
Câu C2
- Ma sát sinh ra ở các viên bi đệm giữa trục quay với ổ trục
- Khi dịch chuyển vật nặng có thể kê những thanh hình trụ làm con lăn. Ma sát giữa con lăn với mặt trượt là ma sát lăn
Câu C3
Hình 6.1a SGK, ba người đẩy hòm trượt trên mặt sàn, khi đó giữa mặt sàn với hòm có ma sát trượt.
Hình 6.1b SGK, một người đẩy hòm nhẹ nhàng do có đệm bánh xe, khi đó giữa bánh xe với mặt sàn có ma sát lăn.
Từ hai trường hợp trên, chứng tỏ độ lớn ma sát lăn rất nhỏ so với ma sát trượt.
Câu C4
Hình 6.2 SGK, mặc dù có lực kéo tác dụng lên vật nặng nhưng vật nặng vẫn đứng yên, chứng tỏ giữa mặt bàn với vật có 1 lực cản. Lực này đặt lên vật cân bằng với lực kéo để giữ cho vật đứng yên.
Khi tăng lực kéo thì số chỉ lực kế tăng dần, vật vẫn đứng yên, chứng tỏ lực cản lên vật cũng có cường độ tăng dần. Điều này cho biết: Lực ma sát nghỉ có cường độ thay đổi theo lực tác dụng lên vật.
Câu C5
Ví dụ về lực ma sát nghỉ:
- Trong dây chuyền sản xuất của nhiều nhà máy, các sản phẩm (như bao xi măng, các linh kiện) di chuyển cùng với băng chuyền nhờ lực ma sát nghỉ.
- Trong đời sống, nhờ ma sát nghỉ người ta mới đi lại được, ma sát nghỉ giữ bàn chân không bị trượt khi bước trên mặt đường.
Câu C6.
H.63a, b, c SGK
a, Lực ma sát trượt giữa đĩa và xích làm mòn đĩa xe và xích nên cần tra dầu vào xích xe để làm giảm ma sát
b, Lực ma sát trượt của trục làm mòn trục và cản chuyển động quay của bánh xe. Muốn giảm ma sát thì thay bằng trục quay có ổ bi, khi đó lực ma sát giảm tới 20 lần, 30 lần so với chưa có ổ bi.
c, Lực ma sát trượt cản trở chuyển động của thùng khi đẩy. Muốn giảm ma sát, dùng bánh xe để thay thế ma sát trượt bằng ma sát lăn (nhờ đặt thùng đồ lên bàn có bánh xe).
Câu C7
H.6.4a, b, c SGK
a, Bảng trơn, nhẵn quá không thể dùng phấn viết lên bảng
- Biện pháp: Tăng độ nhám của bảng để tăng ma sát trượt giữa viên phấn với bảng
b, Không có ma sát giữa mặt răng của ốc và vít thì con ốc sẽ bị quay lỏng dần khi bị rung động. Nó không còn tác dụng ép chặt các mặt cần ghép.
Khi quẹt diêm, nếu không có ma sát, đầu que diêm trượt trên mặt sườn bao diêm sẽ không phát ra lửa
- Biện pháp: Tăng độ nhám của mặt sườn bao diêm để tăng ma sát giữa đầu que diêm với bao diêm
c, Khi phanh gấp, nếu không có ma sát thì ô tô không dừng lại được.
- Biện pháp: Tăng lực ma sát bằng cách tăng độ sâu khía rãnh mặt lốp xe ô tô
Câu C8
a, Khi đi trên sàn đá hoa mới lau dễ ngã vì lực ma sát nghỉ giữa sàn với chân người rất nhỏ. Ma sát trong hiện tượng này có ích
b, Ô tô đi vào chỗ bùn lầy, khi đó lực ma sát giữa lốp ô tô và mặt đường quá nhỏ nên bánh xe ô tô bị quay trượt trên mặt đường. Ma sát trong trường hợp này có lợi.
c, Giày đi mãi đế bị mòn vì ma sát của mặt đường với đế giày làm mòn đế. Ma sát trong trường hợp này có hại.
d, Phải bôi nhựa thông vào dây cung ở cần kéo nhị (đàn cò) để tăng ma sát giữa dây cung với dây đàn nhị, nhờ vậy nhị kêu to. Ma sát trong trường hợp này có lợi.
Câu C9
Ổ bi có tác dụng làm giảm ma sát do thay thế ma sát trượt bằng ma sát lăn của các viên bi. Nhờ sử dụng ổ bi, nên đã giảm được lực cản lên các vật chuyển động, khiến cho các máy móc hoạt động dễ dàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành động lực học, cơ khí, chế tạo máy…
C. Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong SBT
Câu 6.1: Đáp án C
Không phải lực ma sát, đó là lực đàn hồi
Câu 6.2: Đáp án C
Tăng độ nhẵn
Câu 6.3: Đáp án D
Câu 6.4
a, Ô tô chuyển động thẳng đều khi lực kéo cân bằng với lực ma sát.
Vậy Fms = Fk = 800N
b, Lực kéo tăng (Fk > Fms) thì ô tô chuyển động nhanh dần
c, Lực kéo giảm (Fk < Fms) thì ô tô chuyển động chậm dần.
Câu 6.5
a, Khi bánh xe lăn đều trên đường sắt thì lực kéo cân bằng với lực cản, khi đó lực kéo bằng 5000N
So với trọng lượng đầu tàu, lực ma sát bằng:
5000/(10000.10) = 0,05 lần
b. Đoàn tàu khi khởi hành chịu tác dụng của hai lực: Lực phát động, lực cản.
Độ lớn của lực làm tàu chạy nhanh dần khi khởi hành bằng:
Fk – Fms = 10000 – 5000 = 5000 N
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật thông tin mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025