Bài tập nâng cao: Sự cân bằng lực - Lực ma sát - Quán tính

Cập nhật lúc: 16:12 24-10-2017 Mục tin: VẬT LÝ LỚP 8


Bài viết tóm tắt các kiến thức trọng tâm về: lực, hai lực cân bằng, lực ma sát và quán tính. Sau đó cung cấp cho bạn đọc các bài tập có gợi ý giải và đáp án.

 

SỰ CÂN BẰNG LỰC - LỰC MA SÁT - QUÁN TÍNH

I - Một số kiến thức cần nhớ.

- Lực là một đại lượng vectơ được biểu diễn bằng một mũi tên có:

+ Gốc là điểm đặt của lực.

+ Phương chiều trùng với phương, chiều của lực.

+ Độ dài biểu thị cường độ của lực theo tỉ xích cho trước.

- Hai lực cân bằng là hai lực cùng đặt lên một vật có cường độ bằng nhau, có cùng phương nhưng ngược chiều.

- Lực ma sát xuất hiện tại bề mặt tiếp xúc, ngược chiều với chuyển động của vật. (Có ma sát trượt, ma sát lăn, ma sát nghỉ)

- Quán tính là tính chất giữ nguyên vận tốc của vật. Quán tính của một vật phụ thuộc vào vận tốc và khối lượng của vật.

II - Bài tập tự luyện.

Bài 2.1: Học sinh A và học sinh B dùng dây để cùng kéo một vật. Để nâng được vật ấy học sinh A kéo một lực F1 = 40 N, học sinh B kéo lực F2 = 30 N (F1 vuông góc với F2). Học sinh C muốn một mình kéo vật đó lên thì phải dùng dây kéo theo hướng nào và có độ lớn là bao nhiêu? (Biểu diễn lực kéo của học sinh C trên cùng hình vẽ)

Gợi ý:

- Kẻ tia Bx //0A ; tia Ay // 0B . Giao của hai tia này là điểm C

- Tia 0C chính là hướng phải kéo của học sinh C

* Tính 0C theo định lý Pi-ta-go  (F= 50 N)

 

Bài 2.2: Một đầu tàu hỏa kéo đoàn tàu với lực 300 000N. Lực cản tác dụng vào đoàn tàu (lực ma sát ở đường ray và sức cản của không khí)  là 285 000N. Hỏi lực tác dụng lên đoàn tàu là bao nhiêu và hướng như thế nào?

          ĐS: Fk = 15 000N (có hướng theo chiều chuyển động của đoàn tàu)

Bài 2.3: Một lò xo xoắn dài 15cm khi treo vật nặng 1N. Treo thêm một vật nặng 2N vào thì độ dài của lò xo là 16cm.

a) Tính chiều dài tự nhiên của lò xo khi chưa treo vật nặng vào.

b) Tính chiều dài lò xo khi treo vật nặng 6N.

ĐS:      a) 14,5 cm

            b) 17,5 cm

Bài 2.4: Một đầu tàu khi khởi hành cần một lực kéo 10 000N, nhưng khi đã chuyển động thẳng đều trên đường sắt thì chỉ cần một lực kéo 5000N.

a) Tìm độ lớn của lực ma sát khi bánh xe lăn đều trên đường sắt. Biết đầu tàu có khối lượng 10 tấn. Hỏi lực ma sát này có độ lớn bằng bao nhiêu phần của trọng lượng đầu tàu ?

b) Đoàn tàu khi khởi hành chịu tác dụng của những lực gì ? Tính độ lớn của hợp lực làm cho đầu tàu chạy nhanh dần lên khi khởi hành .

ĐS :     a) 0,05 lần

            b) 5 000 N

Bài 2.5: Một ô tô chuyển động thẳng đều khi lực kéo của động cơ ô tô là 800N

a) Tính độ lớn của lực ma sát tác dụng lên bánh xe ô tô (bỏ qua lực cản không khí)

b) Khi lực kéo của ô tô tăng lên thì ô tô sẽ chuyển động như thế nào nếu coi lực ma sát là không đổi ?

c) Khi lực kéo của ô tô giảm đi thì ô tô sẽ chuyển động như thế nào nếu coi lực ma sát không đổi ?

ĐS :   a) 800N

         b) Khi Fk > Fms thì ô tô chuyển động nhanh dần

         c) Khi Fk < Fms thì ô tô chuyển động chậm dần

Bài 2.6: Đặt một chén nước trên góc của một tờ giấy mỏng. Hãy tìm cách rút tờ giấy ra mà không làm dịch chén. Giải thích cách làm đó.

ĐS : Giật nhanh tờ giấy ra. Do quán tính chén nước chưa kịp thay đổi vận tốc nên sẽ không bị đổ.

Bài 2.7 : Người ta dùng một mặt phẳng nghiêng để kéo một vật có khối lượng 50kg lên cao 2m.

a) Nếu không có ma sát thì lực kéo là 125N. Tính chiều dài của mặt phẳng nghiêng.

b) Thực tế có ma sát và lực kéo vật là 150N. Tính hiệu suất của mặt phẳng nghiêng

ĐS :    a) 8 m

           b) 83 %

 

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

Luyện Bài tập trắc nghiệm môn Vật lý lớp 8 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Cập nhật thông tin mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025